Thông tư 25 với quy định mới về cách thức tính giá điện cho người thuê nhà ở đã có được 5 tháng. Vậy thực sự quyền lợi của người thuê nhà trọ có được hưởng đúng như “quy định trong Thông tư mới”? Cùng chúng tôi tìm hiểu vấn đề này!
MỤC LỤC
1 - Người thuê và chủ nhà chưa nắm rõ Thông tư 25
2 - Chủ nhà chưa thực hiện tính giá điện theo quy định mới
1 - Người thuê và chủ nhà chưa nắm rõ Thông tư 25
Nội dung về “GIÁ ĐIỆN” - Thông tư 25 của Bộ Công Thương:
- Các trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình), có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà).
- Trường hợp sinh viên và người lao động thuê nhà có thời hạn thuê nhà dưới 12 tháng, nếu chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.
- Ngoài ra, chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức sử dụng điện cho chủ nhà, căn cứ vào sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan công an quản lý địa bàn.
- Theo đó, cứ 4 người được tính là 1 hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Cụ thể, 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người được tính là 1/2 định mức, 3 người được tính là 3/4 định mức, 4 người được tính là 1 định mức.
Khi có thay đổi về số người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện.
Thông tư mới là thế, nhưng đến nay thì đã có mấy chủ hộ và người thuê nhà biết đến thông tư mới, và thực hiện theo thông tư! Dưới đây là một vài ý kiến của người thuê nhà và chủ nhà khi được hỏi về Thông tư 25.
- Tại nhà trọ của anh Hoàng Văn Long có các căn phòng khoảng 13 – 18m2, giá thuê từ 1.5 - 2.3 triệu đồng/tháng. Việc sử dụng điện tại đây vẫn được dùng chung công tơ và chia theo đầu người, với mức giá điện trung bình dao động trong khoảng 3.000 – 3.500 đồng/kWh. Anh Long và người thuê trọ đều chưa nắm được thông tư mới và cách thực hiện ra sao.
- Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Tổ trưởng Tổ dân phố số 2A, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, khu dân cư của ông cũng có khá nhiều gia đình cho thuê trọ, nhưng hầu hết đều cho thuê ít người ở, nên việc tính toán giá điện theo như thông tư mới cũng sẽ khó thực hiện.
- Nhiều khu vực Bạch Mai, Đại La, quanh các trường đại học Kinh tế quốc dân, Bách Khoa, Xây dựng..., khu vực có số lượng sinh viên ở trọ khá đông đúc, rất nhiều sinh viên gần như không nghe đến Thông tư 25 mới và vẫn đang thực hiện trả tiền điện tại các phòng trọ theo “quy định miệng” với các chủ nhà trọ.
- 1 bạn sinh viên nam học trường Đại học Thủy Lợi cho biết, giá điện hàng tháng em trả cho chủ nhà là 4.000 đồng/kWh. Bạn trai này còn nói thêm và cười, nếu có thực hiện giá bán điện như hướng dẫn theo quy định mới (thông tư 25) đây là hơn 2.000 đồng/kWh, thì em cũng nghĩ rằng chủ nhà có thể sẽ tăng các chi phí nước, internet, hay vệ sinh,...Và tính ra vẫn không khác nhau.
2 - Chủ nhà chưa thực hiện tính giá điện theo quy định mới
Theo Thông tư 25 đã hướng dẫn, với quy định giá bán điện hiện nay thì phần lớn người thuê nhà chỉ phải trả 2.014 đồng/kWh (chưa VAT 10%). Qua cách tính mới theo giá điện BẬC 3, người thuê nhà và chủ nhà sẽ dễ dàng tính toán tiền điện một cách minh bạch, rõ ràng.
| Đọc thêm: Giá điện nhà nước mới năm 2019
Đã gần 6 tháng từ khi thông tư có hiệu lực, vẫn còn chủ nhà trọ thu tiền điện cao gấp 2 - 2.5 lần so với quy định.
Theo lời Chị Nguyễn Thị Thắm - nhân viên văn phòng cho biết: “Mình sống ở ngõ 66 Hồ Tùng Mậu, Hà Nội. Mình và cả các đồng nghiệp trong công ty đều biết về thông tư 25, tuy nhiên sau một thời gian chờ đợi thì mình vẫn phải trả 4.000/1 kWh, và nơi đồng nghiệp mình ở cũng có giá như vậy”.
Bạn Kim Thị Trang - sinh viên Đại học Thương Mại chia sẻ: “Em có tìm hiểu và cũng có thắc mắc với chủ nhà, nhưng chủ nhà giải thích không giảm giá điện để bù vào chi phí như đèn điện hành lang, bơm nước. Em nghĩ chuyển đi đâu thì cũng vậy cho nên chấp nhận.”
Tìm hiểu một số khu nhà trọ trên địa bàn Cầu Giấy - Hà Nội, vẫn còn nhiều người thuê trọ phải chịu giá điện giao động từ 3,5 – 4 nghìn đồng/1 kwh điện.
Cũng một phần khác dẫn đến giá điện cao đó là: nhiều chủ nhà trọ ngại phiền phức nên không nộp hồ sơ (gồm sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan công an quản lý địa bàn) của người thuê nhà cho bên bán điện để được cấp định mức hoặc được áp một mức giá điện sinh hoạt của bậc 3.
Chính vì thế, khi tổng điện năng sử dụng vượt mức 200, 300, 400 kWh sẽ bị tính mức giá cao (bậc 4, bậc 5, bậc 6 lên đến 2.927 kWh, chưa bao gồm VAT), dẫn đến người thuê nhà phải đóng tiền điện với giá rất cao.
3 - Người thuê trọ vẫn chịu thiệt thòi
Quy định về mức giá điện thì đã có, và quy định về phạt tiền các chủ nhà thực hiện sai là 7 - 10 triệu đồng, tuy nhiên nhiều người thuê trọ vẫn phải chịu mức giá cao từ 3.5 - 4 nghìn đồng/1kwh điện.
Thực tế, những người thuê trọ đa số là người ngoại tỉnh, tâm lý chung là ngại va chạm, tranh chấp, nếu tố cáo với cơ quan chức năng thì ngại chủ nhà gây khó dễ, hoặc đuổi đi, nên dù biết quyền lợi của mình bị xâm phạm, người thuê trọ vẫn nhắm mắt cho qua.
Theo quy định, chủ nhà trọ tính giá điện cao hơn quy định sẽ bị xử phạt nhưng vẫn còn những người vì hám lợi tính giá điện cao. Được biết, ngành điện đã tổ chức việc ký cam kết với chủ nhà trọ thực hiện tính đúng giá điện đồng thời tăng cường kiểm tra việc thực hiện cam kết nhưng vẫn còn nhiều chủ phòng trọ dù đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm. Tuy nhiên, việc này rất khó để phát hiện, xử lý.
4 - Cần phải kiểm tra & giám sát chặt chẽ hơn
Về việc chấp hành áp giá bán lẻ điện sinh hoạt của các chủ nhà trọ. Cụ thể là trong thanh, kiểm tra số liệu sử dụng điện, nếu nơi nào sử dụng công tơ điện tử, số liệu sử dụng điện sẽ được cập nhật về đơn vị quản lý, kinh doanh điện năng để có thông tin đầy đủ và có thể kiểm tra một cách dễ dàng. Nhưng vẫn còn những nơi sử dụng công tơ cơ học, cần phải thanh kiểm tra chặt chẽ hơn.
Vậy, các đơn vị quản lý điện năng phải đến hiện trường đọc chỉ số và kiểm tra để kịp thời phát hiện các hiện tượng sử dụng điện bất thường, hay bán giá bán lẻ điện cao hơn so với mức quy định để đảm bảo quyền lợi cho người thuê ở trọ.
Ngoài ra, để giải quyết các trường hợp người chủ nhà cho thuê kê khai không đúng số người thuê trọ hoặc khi người thuê trọ đã chuyển đi nhưng chủ nhà không khai báo để giảm định mức mà vẫn giữ nguyên định mức sinh hoạt sử dụng điện, tại Thông tư 25 có bổ sung quyền yêu cầu bồi thường và phạt vi phạm hợp đồng cho Bên bán điện.
Cụ thể với trường hợp bên mua điện thực hiện kê khai không đúng số người sử dụng điện để cấp định mức sử dụng điện sinh hoạt nhiều hơn thực tế.
Đại diện của EVN cũng cho hay, Tập đoàn này đã chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực thành viên rà soát giá bán điện cho người thuê nhà; tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài địa phương và niêm yết hướng dẫn thực hiện giá bán điện cho người thuê nhà tại các điểm giao dịch, website, các khu công nghiệp, chế xuất,...
Các Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực thành viên báo cáo Sở Công Thương và phối hợp với Sở Công Thương tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc áp giá bán điện tại các địa điểm cho thuê nhà tại địa phương, thống nhất với các chủ nhà cho thuê về việc thực hiện đúng giá bán điện cho người thuê nhà, lập biên bản và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về giá bán điện đối với người lao động thuê nhà để ở.
Ngoài ra, EVN cũng sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương để kiểm tra, xử phạt các trường hợp chủ nhà trọ thu tiền sai quy định.