image

Sinh viên đối mặt với khủng hoảng nơi ở do giá phòng trọ tăng cao

Sinh viên đối mặt với khủng hoảng nơi ở do giá phòng trọ tăng cao

Hàng năm, từ tháng 8 đến tháng 10 là hàng trăm hàng triệu tân sinh viên đổ xô đi tìm phòng trọ mùa nhập học đang đến gần, tạo ra một làn sóng sôi động trên thị trường phòng trọ khi nhu cầu thuê phòng của sinh viên tăng cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, nhiều chủ trọ nắm bắt thời cơ và tăng giá thành phòng trọ vô lý khiến nhiều sinh viên phải đau đầu trong việc tìm kiếm chỗ ở phù hợp với túi tiền hạn hẹp của mình. Việc giá thuê phòng tăng chóng mặt không chỉ gây áp lực tài chính mà còn làm giảm khả năng lựa chọn cho sinh viên, buộc họ phải chấp nhận sống trong những điều kiện không lý tưởng, thậm chí là kém an toàn. Giữa cảnh "cung không đủ cầu", sinh viên đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chỗ ở, khi mà việc tìm kiếm một căn phòng ổn định trở thành một thách thức lớn trong hành trình học tập của họ.

Tìm trọ 3 triệu khó như “mò kim đáy bể”

Theo lời kể của bạn Anh Thư, sinh viên trường FPT Hà Nội, đang sống trong một căn phòng trọ chỉ vỏn vẹn 18 m² trên phố Cầu Diễn, Hà Nội. Mặc dù căn phòng khá nhỏ và chất lượng cũng không được tốt, Thư vẫn phải trả tới 3,5 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể các chi phí dịch vụ phát sinh khác như điện, nước và internet.

p.a.thu

Bạn Anh Thư đã từng chia sẻ

Trước đó, vào năm 2020, Thư từng thuê một phòng trọ ngay tại Mỹ Đình Hà Nội với giá chỉ 2 triệu đồng/tháng. Phòng khi đó rộng rãi, sạch sẽ và tiện nghi hơn hẳn so với căn phòng hiện tại, nhưng vì một vài lý do cá nhân riêng của chủ nhà, nên chủ nhà đã thu lại toàn bộ và không cho thuê nữa. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cả leo thang, việc tìm được một chỗ ở phù hợp với mức giá 3 triệu đồng dường như đã trở thành một điều vô cùng khó khăn. Thư than thở: “Giờ mà có 3 triệu trong tay, muốn tìm phòng trọ tử tế cũng rất khó. Nếu tìm được thì thường là những căn phòng chật hẹp, lụp xụp, xập xệ chỉ đủ kê giường và một vài vật dụng cá nhân.”

Một năm Thư phải chuyển nhà trọ tới 4 lần chỉ vì phòng ở không được đảm bảo về hệ thống phòng cháy chữa cháy và nước sinh hoạt, giá thành cứ vài tháng tăng một lần. Chỉ vì xuống Hà Nội để học tập, phát triển tương lai nhưng Thư dành rất nhiều thời gian để đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống cũng như tích góp từng nghìn để trả tiền phòng trọ hàng tháng. Không chỉ đối mặt với việc giá thuê phòng trọ tăng, Thư còn phải gánh thêm các khoản chi phí phát sinh như tiền điện lên tới 4.000 đồng một số, tiền nước 30 nghìn đồng 1 khối, chưa kể các chi phí như internet và phí gửi xe hàng tháng. Tất cả những khoản này khiến tổng chi phí sinh hoạt hàng tháng của Thư vượt xa so với dự tính ban đầu.

chuyen_tro

Mỗi lần chuyển trọ rất vất vả vì đồ đạc lỉnh kỉnh

"Trước đó, mình cùng những người thuê khác không hề nhận được thông tin khu trọ tăng giá. Hỏi chủ nhà thì họ chỉ trả lời qua loa rằng tăng theo giá thị trường, chi phí lắp đặt thiết bị đảm bảo an toàn trật tự, PCCC,…".

Việc phải sống trong một căn phòng trọ nhỏ chật hẹp với chi phí cao khiến Thư luôn cảm thấy áp lực về tài chính và việc tìm được phòng trọ giá 3 triệu trong bối cảnh hiện nay chẳng khác nào “mò kim đáy bể”.

Mùa nào giá nhà trọ tăng cao ngất ngưởng

Gia Linh, một nhân viên môi giới nhà trọ tại Hà Nội, đã quen với việc mỗi năm cứ đến mùa sinh viên nhập học, giá phòng trọ lại càng tăng cao. Linh chia sẻ, tình trạng này thường diễn ra mạnh nhất vào khoảng tháng 8 đến tháng 10, khi các trường cao đẳng, đại học công bố điểm chuẩn và sinh viên bắt đầu đổ xô về thành phố để tìm chỗ ở. Cô cho biết: “Mỗi ngày tôi nhận được hàng chục cuộc gọi và tin nhắn dẫn đi xem phòng. Nhiều bạn đang cần gấp nhưng khi nghe giá phòng cao ngất ngưởng thì đành phải ngậm ngùi, không thể mặc cả được.”

tim_tro

Linh chia sẻ thêm vào thời điểm này, chủ trọ không lo thiếu khách thuê trọ nên họ cũng không có ý định giữ khách nếu có ai kì kèo, mặc cả về giá. “Chủ nhà biết nhu cầu tăng cao, nên nếu khách có hỏi giá rẻ hơn, họ sẵn sàng từ chối ngay mà không cần suy nghĩ. Đặc biệt là những khu vực tập trung các trường đại học lớn, chỉ cần một phòng trọ bình thường cũng đã có giá từ 4 - 5 triệu đồng/tháng mà phòng chưa có đầy đủ tiện nghi” theo lời Linh kể.

Bản thân Linh cũng gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt với yêu cầu của cả hai phía: sinh viên cần phòng giá hợp lý vừa với tài chính của gia đình, còn chủ nhà lại không có ý định giảm giá mà chỉ nghĩ đến việc tăng giá phòng và các chi phí phát sinh khác. Cô thừa nhận, mặc dù biết giá cao nhưng cô cũng không thể làm gì khác, vì thị trường luôn vận hành theo quy luật cung cầu. “Có bạn đi xem phòng, thấy không hài lòng về giá cả, cố gắng thuyết phục tôi giúp giảm giá. Nhưng thực tế, khi chủ nhà đã tăng giá, rất khó để hạ xuống. Mùa này ai may mắn thì xin được vào ký túc xá, không thì phải chấp nhận giá thuê đắt đỏ.”

Linh cũng cho biết, nhiều sinh viên mới nhập học mà chưa tìm được phòng trọ, còn phải trả thêm 300.000 - 500.000 đồng cho môi giới nếu tìm phòng qua trung gian, làm chi phí càng thêm chồng chất. 

Hậu quả của việc tăng giá nhà trọ đối với sinh viên

Gánh nặng tài chính cho sinh viên

  • Giá nhà trọ leo thang buộc nhiều sinh viên phải dành phần lớn thu nhập hoặc tiền trợ cấp để chi trả cho chi phí thuê trọ. Điều này làm giảm ngân sách dành cho các nhu cầu sinh hoạt khác như ăn uống, học tập và hoạt động xã hội.
  • Tình trạng căng thẳng tài chính dẫn đến việc nhiều sinh viên phải tìm thêm việc làm ngoài giờ học để trang trải chi phí sinh hoạt. Điều này không chỉ gây áp lực thời gian mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc tập trung học tập.

1

Gánh nặng tài chính cho sinh viên

Tình trạng chỗ ở tạm bợ, không đảm bảo an toàn

  • Để đối phó với giá thuê nhà cao, nhiều sinh viên phải chọn những nơi ở giá rẻ nhưng chất lượng kém, thường không đảm bảo an toàn và điều kiện sống. Những phòng trọ nhỏ hẹp, ẩm thấp, thiếu tiện nghi trở thành lựa chọn phổ biến, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe.
  • Sống trong môi trường không tốt kéo theo việc sức khỏe của sinh viên bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ đó làm giảm hiệu suất học tập và tinh thần, tạo ra một vòng luẩn quẩn của sự căng thẳng và mệt mỏi.

z5898102846028_6d9895d196cb8b39fe3c220abc59630b

Tình trạng chỗ ở tạm bợ không đảm bảo an toàn 

Xu hướng chia sẻ phòng trọ hoặc chuyển xa khu vực trung tâm

  • Để tiết kiệm chi phí, xu hướng chia sẻ phòng trọ với nhiều người ngày càng trở nên phổ biến. Mặc dù việc này giúp giảm gánh nặng tài chính, nhưng lại có thể gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt cá nhân và thiếu sự thoải mái.
  • Nhiều sinh viên cũng phải chấp nhận chuyển đến các khu vực ngoại ô xa trường học để tìm được chỗ ở với mức giá hợp lý hơn. Tuy nhiên, điều này lại gây khó khăn trong việc di chuyển, làm tăng thêm chi phí và thời gian đi lại, ảnh hưởng đến cuộc sống và học tập.

Giải pháp ứng phó với tình hình giá nhà trọ tăng

Tìm kiếm nhà trọ qua các nền tảng trực tuyến

  • Sinh viên có thể tận dụng công nghệ, mạng xã hội và các trang web chuyên về bất động sản để tìm kiếm phòng trọ hợp lý, từ đó có nhiều sự lựa chọn hơn.
  • Các ứng dụng chia sẻ phòng trọ như chợ tốt,..., tìm bạn ở ghép cũng là giải pháp hiệu quả giúp sinh viên tiết kiệm chi phí và cải thiện điều kiện sống.

cho_tot

Tìm trọ trên ứng dụng chợ tốt 

Phát triển dự án nhà ở xã hội dành cho sinh viên

  • Để giải quyết lâu dài tình trạng giá nhà trọ tăng, việc đẩy mạnh các dự án nhà ở xã hội dành riêng cho sinh viên là vô cùng cần thiết. Chính phủ, trường học và các doanh nghiệp bất động sản có thể hợp tác để xây dựng những khu nhà trọ giá rẻ, đáp ứng nhu cầu chỗ ở an toàn và tiện nghi cho sinh viên.

3

Phát triển các dự án xây nhà hỗ trợ chỗ ở cho sinh viên

Chia sẻ kinh nghiệm giữa sinh viên

  • Sinh viên có thể tạo các nhóm cộng đồng trên mạng xã hội hoặc trong trường học để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tìm nhà trọ, giúp đỡ nhau trong quá trình tìm kiếm nơi ở hợp lý. Việc hỗ trợ lẫn nhau không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn tăng khả năng tìm được chỗ trọ phù hợp.

group_tim_tro

Sinh viên có thể trao đổi về thông tin phòng trọ qua các group

Kết luận

Giá nhà trọ tăng cao đã và đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho sinh viên trong việc ổn định chỗ ở và duy trì cuộc sống học tập. Để giải quyết tình trạng này, sự chung tay từ nhiều phía bao gồm chính phủ, trường học, các doanh nghiệp và cộng đồng sinh viên là cần thiết. Những giải pháp như phát triển nhà ở xã hội, hỗ trợ tìm kiếm phòng trọ qua nền tảng trực tuyến và chia sẻ kinh nghiệm giữa sinh viên không chỉ giúp giảm áp lực tài chính mà còn cải thiện điều kiện sống, giúp sinh viên tập trung vào học tập và phát triển bản thân.

 

Bài viết mới nhất