image

TẠI SAO GIÁ ĐIỆN LẠI LŨY KẾ & CHIA THÀNH 6 BẬC

Câu chuyện về giá điện trong sinh hoạt, rất nhiều người không hài lòng về cách tính giá điện luỹ kế 6 mức của EVN hiện nay. Nhiều người cho rằng tại sao không để giá cố định một mức thôi? Tại sao điện dùng càng nhiều giá càng cao, lẽ ra khi dùng nhiều thì giá phải giảm chứ?

HÀNG HÓA ĐIỆN MANG TÍNH ĐẶC BIỆT?

Thực ra điện là một loại hàng hoá đặc biệt, không giống với bất kỳ loại hàng hoá nào khác, bởi 2 lý do sau đây.

a) Điện năng là hàng hóa đặc biệt, sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời. Lưu trữ điện năng rất đắt và tốn kém.
b) Nguồn nguyên liệu sản xuất ra điện (dầu mỏ, khí đốt, than, hạt nhân…) là hữu hạn, càng ngày càng có nguy cơ cạn kiệt; Nguồn năng lượng mặt trời và gió tuy không hữu hạn nhưng thiếu ổn định và giá thành lại cao.

Chính vì vậy mà điện là một loại hàng hoá không khuyến khích sử dụng nhiều ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới và vì vậy các chính sách về giá điện đều xây dựng theo nguyên tắc là dùng càng nhiều điện thì giá càng cao.

PHƯƠNG PHÁP TÍNH GIÁ ĐIỆN

Theo nguyên tắc của hàng hóa đặc biệt, người ta nghĩ ra 7 phương pháp tính giá điện sinh hoạt cho cư dân như sau:

1/ Giá cố định: Giá cố định cho mỗi kWh tiêu thụ
2/ Giá luỹ tiến: Giá tính luỹ tiến lượng kWh tiêu thụ
3/ Giá theo thời gian sử dụng: Giá theo thời gian trong ngày (giới thấp điểm, giờ cao điểm…)
4/ Giá theo nhu cầu sử dụng cao nhất
5/ Giá luỹ kế theo thời gia sử dụng (kết hợp 2 và 3)
6/ Giá theo mùa (mùa nóng, mùa lạnh)
7/ Giá theo ngày làm việc hay ngày nghỉ (ngày cuối tuần và ngày lễ thường cao hơn)

Như vậy là có đến 6 trên 7 phương pháp tính giá điện ở trên đều buộc người tiêu dùng phải trả cao hơn khi sử dụng nhiều điện: hoặc trả luỹ kế theo số kWh sử dụng, hoặc giá cao vào giờ cao điểm (giờ nhiều người dùng điện), hoặc giá cao vào mùa sử dụng điện nhiều (mùa nóng và mùa lạnh), hoặc giá cao vào ngày cuối tuần, ngày lễ, thậm chí còn hỗn hợp 2 loại trên.

Phương pháp đầu tiền - tính giá điện cố định (chỉ một mức giá) tuy đơn giản, nhưng không phải là ưu việt, thực chất là thay vì để giá khởi điểm thấp như phương pháp giá luỹ kế (bậc thang) họ để giá cao lên (thường là gấp 2, gấp 3, gấp 4 lần) để tổng số tiền thu được vẫn không ít hơn cách tính giá khác. Theo thống kê thì có đến trên 70% các quốc gia tính giá điện cố định (1 mức) đang tính giá điện tối thiểu từ 20 cent đến 99 cent (tức từ 4.600 đồng đến 23.000 đồng/kWh), cao hơn Việt Nam từ 2 đến 10 lần), những nước còn lại đều là những nước được thiên nhiên ưu đãi về nguồn năng lượng.

Cả 6 phương pháp tính giá điện còn lại đều buộc người sử dụng phải trả giá cao hơn khi dùng điện nhiều, hoặc trả cao khi số kWh sử dụng cao, hoặc trả cao vào thời điểm, thời gian mà điện bị thiếu do nhu cầu sử dụng điện của số đông cư dân tăng cao.

Phương pháp giá điện luỹ kế bậc thang ngoài mục đích hạn chế sử dụng điện, tiết kiệm điện còn đặt mục tiêu ưu đãi cho người nghèo, người có thu nhập thấp bằng cách để 1-2-3 mức giá đầu tiên có giá thấp hơn giá thành, có nghĩa là lấy phần lãi của mức giá cao (của người giàu, người sử dụng nhiều điện) bù cho người nghèo sử dụng điện ít.

Hiện nay trên thế giới các quốc gia đang áp dụng giá điện sinh hoạt luỹ kế (5, 6, 7 mức) là: Canada (Toronto, Quebec), Paraguay, Nicaragua, Saudi Arabia, Bharain, Brunei, Ai Cập, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Tunisia, Uganda,...

Hàn Quốc không chỉ giá điện luỹ kế theo kWh sử dụng mà còn có mức luỹ kế theo mùa: Vào mùa hè và mùa đông giá cho kWh thứ 1001 trở đi cao gấp 7,65 lần giá cho 200 kWh đầu tiên (62 cent/kWh so với 8.1 cent).

Đài Loan có 2 biểu giá luỹ tiến cho 2 mùa khác nhau, biểu giá cho 4 tháng mùa hè gồm 6 mức, còn biểu giá cho các tháng còn lại là 5 mức.

Theo ý kiến riêng chúng tôi (Bản Đôn), có thể hướng 2 phương án:

1. Quy định và chia nhỏ hơn nữa các bậc, thay vì 6 bậc thì chia thành 10 bậc, 12 bậc. Làm sao để người nào dùng bao nhiêu thì sẽ chả đúng mức giá tiền bấy nhiêu, hay như một số nước khác thì chia thêm các bậc về thời gian, mùa trong năm,...

2. Bỏ mức thang giá điện và lấy 1 giá chung phù hợp nhất với người dân thay vì áp giá như hiện tại. Người tiêu dùng bỏ tiền ra mua. Ai có nhiều tiền thì dùng nhiều, có ít tiền thì dùng ít, có hoang phí thì người tiêu dùng sẽ tự chịu.

Hy vọng những thông tin ở trên giúp các bạn trả lời câu hỏi tại sao Việt Nam chúng ta lại tính giá điện theo phương pháp luỹ kế bậc thang 6 mức và biểu giá điện bậc thang 6 mức có phải là lạc hậu, là không tốt cho người tiêu dùng?

Nguồn: tổng hợp

Bài viết mới nhất