image

Còn đó những nguy cơ xấu đang rình rập người thuê trọ

Với những sinh viên, học sinh, người lao động ngoại tỉnh về Hà Nội học tập, lao động... việc tìm kiếm một nơi để yên tâm ở trọ gần như là điều kiện tiên quyết. Song, với cung cách quản lý còn nhiều lỏng lẻo, cùng việc thiếu cảnh giác của bản thân người thuê nhà đã biến nhà trọ trở thành nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ như trộm cắp, giết người, hiếp dâm.

Từ việc bị lừa đảo khi thuê phòng...

“Nếu là sinh viên, người ngoại tỉnh mới về Hà Nội lần đầu mà thuê được nhà “ngon, bổ, rẻ” thì đúng là phải quay vào ô... may mắn” - Tuấn Long, cựu sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội chép miệng đúc kết, sau những lần bị lừa cay đắng.

Mấy năm trước, phấn khởi sau khi biết tin đỗ đại học, Long một mình tay xách nách mang nhập trường. Trước đó Long đã nhờ được người thuê giúp một căn phòng khá “tươm” song giá cũng hơi “chát” ở quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Sau khoảng 2 tháng nhập học, nghe mấy người bạn cùng lớp khuyên, Long vào mấy group trên mạng xã hội Facebook đăng tìm người ở ghép. Ngày trước đăng, ngày sau đã thấy một nam “inbox” xin được ở cùng. Nam sinh viên này nói đang học năm cuối trường GTVT, quê ở Thái Nguyên.

“Anh chuẩn bị đi thực tập tốt nghiệp nên đồ đạc chỉ gọn nhẹ thế này thôi” - gã bảo với Long sau khi xách đúng một vali đến ở cùng. Đồng thời, gã cũng xin khất tiền phòng đến cuối tháng.

Buổi chiều ngay hôm sau đi học về, Long đã cảm thấy... là lạ khi thấy cửa giả không khóa. Bước vào phòng thì... ôi thôi bao nhiêu của nả bố mẹ, bạn bè sắm sửa chúc mừng cho Long đều đã không cánh mà bay. Nào là máy tính xách tay, tivi, tủ lạnh, quạt, đài CD, thậm chí cả... điều hòa nhiệt độ gã cũng tháo hết. Hàng xóm xác nhận người thuê phòng hôm trước đã thuê ô tô từ sáng đến trưa dọn sạch đồ. “Chúng tôi lại tưởng hai anh em chuyển đi chỗ khác!”.

Choáng váng trước hiện thực phũ phàng, Long vội bấm điện thoại cho anh sinh viên năm cuối - chỉ thấy tiếng “ò í e”. Lên mạng xã hội tìm thì Facebook của Long đã bị chặn. Đến Cơ quan công an trình báo, Long chỉ có vài thông tin về đối tượng (mà cũng không biết đúng hay sai). Ngay cả ảnh chân dung đối tượng cậu chàng cũng không có nốt!

 | Đọc thêm: Kinh nghiệm thuê phòng trọ sinh viên từ A-Z [Mới 2019]

Đồng cảnh ngộ, Bùi Thị Phương (sinh viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) cũng phải nhận trái đắng khi cho người “lạ” ở cùng. “Buổi sáng em đăng tin tìm người ở ghép, buổi chiều đã có 1 bạn nữ xinh xắn đến xin ở cùng. Vì phòng em cũng đủ đồ cả rồi nên bạn ấy chỉ việc mang quần áo đến ở thôi. Hai đứa thì lịch học không trùng nhau, bạn kia ở được 2 hôm thì mất hút cùng với tiền, một số vật dụng cá nhân và chiếc laptop yêu quý của em.

Đó trở thành bài học đau lòng của những ngày đầu làm sinh viên đại học của em. Chỉ vì tin người quá mà sau đó em phải vay mượn khắp nơi để mua lại phương tiện học tập. Chưa làm ra được xu nào mà mất cả” - Phương cay đắng thốt lên.

...đến những vụ hiếp dâm, giết người

Như Báo ANTG đã thông tin, tối ngày 3-6-2018, Đặng Thị Cẩm T., sinh viên năm cuối Đại học Sân khấu điện ảnh đến khu nhà trọ tại ngõ 12/2 Nguyễn Phúc Lai (phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) để tìm phòng. Chị Cẩm T. không thể ngờ được rằng, buổi đi xem phòng trọ để làm nhà kho cho công việc kinh doanh sắp tới lại trở thành buổi tối “định mệnh”.

Được biết, trước khi đến, Cẩm T. đã liên hệ với chủ căn nhà là anh Nguyễn Như T. (29 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) để trao đổi về giá tiền cũng như thời gian đến xem nhà. Anh T. đã gọi điện cho Nguyễn Anh Tú (35 tuổi, trú tại Quan Thổ 3, Đống Đa, Hà Nội; hiện đang thuê một phòng trọ trên tầng 3 ngôi nhà) nhờ Tú mở cửa phòng cho Cẩm T. xem. Căn phòng này hiện Tú đang thuê, nằm trong ngôi nhà 4 tầng, có 12 phòng cho thuê trọ do anh Như T. quản lý.

Biết được thông tin chị T. đi xem phòng trọ một mình, Tú nảy sinh ý đồ xấu, thủ sẵn một viên gạch. Khoảng 21 giờ cùng ngày, chị T. đến khu trọ. Thừa lúc chị Cẩm T. đang ngó nghiêng thì bất ngờ Tú đập một nhát vào đầu và dùng tay bóp cổ kéo chị T. vào phòng với ý định hiếp dâm cô gái xinh đẹp.

Thấy chị T. chống cự quyết liệt, gã “yêu râu xanh” đã dùng gạch đập thêm nhiều nhát vào đầu khiến chị Cẩm T. ngất đi và thực hiện bằng được hành vi hiếp dâm. Sau khi thỏa mãn thú tính, Tú vẫn đánh một giấc ngon lành.

Chiều hôm sau thì gã dậy lục soát lấy hết tiền trong túi chị Cẩm T. rồi lang thang tại khu vực phường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) thì bị lực lượng Công an bắt giữ. Tới đây chắc chắn Tú sẽ phải chịu những hình phạt nghiêm khắc của pháp luật cho hành vi mất hết nhân tính của hắn.

Cách đây ít năm, trên địa bàn phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng xảy ra một vụ hiếp dâm khi tìm nhà trọ. Một tối chị Phạm Thị T. (SN 1989, trú tại Vĩnh Phúc) đến Làng sinh viên Hacinco (Nhân Chính, Thanh Xuân) để hỏi phòng trọ. Khi chị đang ở sân, đối tượng Trịnh Đăng Giang (SN 1977, trú phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, đang thuê trọ tại Làng sinh viên Hacinco) đã giả vờ là nhân viên quản lý ở đây, bảo chị T. lên phòng nói chuyện và sẽ giúp đỡ chị T. thuê phòng thật nhanh, giá rẻ.

Chẳng ngờ chị T. vừa bước vào phòng thì Giang lập tức khóa trái cửa, nhét giẻ vào mồm rồi giở trò đồi bại với nạn nhân. Sau khi thỏa mãn thú tính, chị T. được hắn thả ra. Ngày hôm sau chị T. đã tố cáo hành vi của Giang lên cơ quan Công an. Đối tượng bị bắt ngay sau đó.

Thực tế, việc quản lý người ra người vào tại không ít khu nhà trọ trên địa bàn TP Hà Nội hiện vẫn rất lỏng lẻo. Trừ một số khu có bảo vệ thì đa phần người lạ vẫn có thể đến ăn, ngủ, nghỉ nhiều ngày tại nhà trọ của bạn bè, người thân, thậm chí người mới quen biết trước đó ít phút. Và, cũng do nhiều chủ nhà trọ còn thiếu trách nhiệm trong quản lý đã dẫn đến những hậu quả khó lường. Kẻ giết người đã tự tiện đột nhập vào phòng trọ của nạn nhân vào nửa đêm, sáng sớm để ra tay.

Còn nhớ, tại phố Vũ Xuân Thiều (Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) xảy ra một vụ sát hại bạn gái dã man. Rạng sáng ngày 15-3-2017 đối tượng Lê Mạnh Toàn (SN 1982, quê quán Tĩnh Gia, Thanh Hóa, tạm trú tại tỉnh Hưng Yên) mò đến phòng trọ của chị Nguyễn Thị T.L. (SN 1993, tạm trú tại phố Vũ Xuân Thiều) để nói chuyện. Trước đó, chị T.L. và Toàn đã có một thời gian mặn nồng song gần đây chị L. muốn chấm dứt quan hệ.

Khoảng 7 giờ 30 phút cùng ngày, khi chị L. đưa con gái đi gửi trẻ về, giữa chị L. và Toàn đã xảy ra mâu thuẫn. Toàn muốn nối lại tình cảm, song chị L. không chấp nhận. Toàn đã dùng con dao nhọn đâm khiến chị L. tử vong. Sau đó, Toàn dùng dao tự đâm vào ngực trái, bị trọng thương và cũng tử vong tại bệnh viện.

Cuối năm 2012, chị Trần Thị Huyền T. (SN 1993, quê Thanh Hóa) cũng bị người yêu cũ đột nhập vào phòng trọ lúc nửa đêm rồi sát hại. Theo tài liệu từ cơ quan Công an, nguyên nhân của vụ việc là do chị T. đòi chia tay nhưng Thành không chấp nhận và nảy sinh ý định sát hại người yêu mình.

Ngày 20-11-2012, Thành thuê nhà nghỉ đối diện phòng trọ của người yêu mình ở nhà số 24, ngõ 251 đường Nguyễn Khang (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Chờ đến nửa đêm, Thành trèo cổng vào khu trọ, mò lên phòng của chị T. thuê ở trọ cùng chị họ tên Hòa. Khi đi, Thành mang theo một con dao gọt hoa quả.

Bị chị T. phát hiện, la hét, Thành lao đến, đè chị T. xuống giường, dùng dao đâm liên tiếp. Do cú đâm mạnh, lưỡi dao văng khỏi cán. Lợi dụng cơ hội đó, chị T. lao ra ngoài kêu cứu. Thành quay sang cầm lưỡi dao gí vào cổ người yêu, kéo chị T. vào khu vực giường ngủ.

Lúc này, chủ nhà trọ cùng một số người dân chạy sang ứng cứu. Thành đóng cửa, cố thủ trong phòng, dọa sẽ giết chị T. nếu mọi người xông vào. Tắt đèn, nằm ôm người yêu từ 2 giờ đến khoảng 4giờ 20, Thành nhiều lần đòi quan hệ tình dục nhưng chị T. không chấp nhận.

Bực tức, Thành khống chế, hãm hiếp người yêu mình, đồng thời đe dọa: “Nếu không yêu nữa thì một trong hai đứa phải chết”. Chị T. vẫn nhất quyết không đồng ý, Thành đã bóp cổ người yêu đến chết.

Cần siết chặt quản lý

Theo một lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội, theo đúng quy định của pháp luật thì một người đến thuê nhà trọ ở địa phương nào đó thì người ấy phải có trách nhiệm khai báo nhân thân và đăng ký tạm trú. Người thuê nhà có thể tự đến công an phường, xã để đăng ký tạm trú hoặc thông qua chủ nhà để họ đi làm đăng ký tạm trú cho mình.

Tuy nhiên có một thực tế là không phải cá nhân đi thuê nhà trọ hay các chủ có nhà cho thuê mướn nào cũng làm đúng nguyên tắc đơn giản ấy. Vẫn có không ít các chủ nhà còn thờ ơ thực hiện việc đăng ký tạm trú cho khách trọ.

Ghi nhận của chúng tôi, một chủ nhà trọ trên địa bàn quận Thanh Xuân giải thích, họ chỉ thực hiện đăng ký tạm trú cho những người nào đó có thời hạn thuê nhà dài hơi, ít nhất khoảng từ 3 tháng đến 1 năm trở lên, còn với những đối tượng thuê theo kiểu “du canh du cư” tạm bợ độ một vài tuần thì làm rất mất công (!?). Thậm chí nhiều chủ nhà trọ còn dễ dãi tới mức... chẳng cần đăng ký tạm trú với chính quyền, miễn là người đi thuê trọ khai tên tuổi, quê quán, hoặc trình ra tấm CMND, hoặc một loại giấy tờ nào có hình và dấu đỏ trên đó là... OK!

Bên cạnh đó, việc quản lý những người ra vào khu nhà trọ lại còn lỏng lẻo hơn. Ngoài một số khu trọ “cao cấp” có bảo vệ kiêm trông xe thì nhiều khu nhà trọ ai cũng có thể vào được, bất kể giờ nào. Tình trạng chủ nhà quản lý qua... điện thoại ngày càng trở nên phổ biến.

Chính sự thờ ơ, dễ dãi của các chủ nhà cho thuê trọ, cũng như việc quản lý trong công tác đăng ký nhân khẩu tạm trú của chính quyền địa phương còn lơi lỏng như vậy sẽ là “lỗ hổng” để các đối tượng tội phạm lợi dụng hoạt động. Bọn chúng có thể trà trộn vào để trộm cắp, lừa đảo sinh viên, người lao động.

 | Tham khảo nhé: Những điểm cần lưu ý “trước và sau khi quyết định thuê nhà trọ”

Cũng theo đại diện Phòng Cảnh sát hình sự, thời gian vừa qua tại một số phường như phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm); phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai)... đã triển khai những mô hình quản lý nhà trọ, giữ gìn trật tự an ninh trên địa bàn mang lại hiệu quả khá tốt.

Một loạt biện pháp được triển khai như: các điểm đăng ký tạm trú được bố trí ở địa bàn các tổ dân phố, giúp người dân thuận tiện trong việc đăng ký. Cảnh sát khu vực định kỳ tổ chức kiểm tra lưu trú trên địa bàn phường. Công an phường đứng ra tổ chức phối hợp với lực lượng bảo vệ dân phố và cán bộ tổ dân phố tiến hành mời toàn bộ số hộ gia đình cho thuê trọ đến trụ sở tập trung ở hội trường lớn để phổ biến những kỹ năng kiến thức pháp luật, những kinh nghiệm trong công tác quản lý cho thuê trọ, công tác chấp hành pháp luật tại khu nhà cho thuê trọ...

Theo chúng tôi, những mô hình trên cần được nhân rộng. Và để giữ gìn an ninh trật tự ở những khu nhà trọ thì chính quyền địa phương cần siết chặt công tác quản lý, đồng thời ý thức tự giác của chủ nhà trọ và bản thân người thuê nhà cần phải được nâng lên một bước.

Theo: Báo Mới

Bài viết mới nhất