Để đối phó với việc xăng, điện tăng giá mạnh, chị Hà (người dân sinh sống HCM) cho biết đã bàn với chồng cắt bớt 2 mặt hàng 'xa xỉ" là bia trong các bữa cơm và trà sữa để dành tiền lo cho con sau này.
Chỉ trong thời gian ngắn, giá xăng và giá điện đều tăng khiến giá cả từ rau, củ đến những vật dụng thiết yếu hàng ngày đều tăng. Nhiều vợ chồng trẻ đã phải lên kế hoạch để ‘đối phó’ vì mọi thứ đều tăng, trừ lương. Còn chưa hết bàng hoàng với hóa đơn tiền điện tăng gần 40%, chị Nguyễn Thị Hạnh Chi (28 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) lại như ngồi trên đống lửa khi đọc được thông tin giá xăng cũng tăng.
Cắt bớt bia của chồng, trà sữa của vợ
Chị Chi cùng chồng đều làm nhân viên văn phòng ở quận 3. Để tiết kiệm chi phí, anh chị chấp nhận để thuê trọ ở quận Thủ Đức. Hằng ngày, anh chị phải đi khoảng 13 km mới đến chỗ làm. Vì quyết tâm để dành tiền mua nhà Sài Gòn nên gia đình chị lúc nào cũng lên kế hoạch chi tiêu chi tiết.
Chị Chi chia sẻ: “Thu nhập của vợ chồng tôi khoảng 25 triệu đồng, tiền nhà 4 triệu, điện nước nét thường thêm 1 triệu, ăn uống, xăng xe, chi tiêu khác tằn tiện lắm một tháng dư được 5 - 6 triệu dằn túi. Mà đó là những tháng trước, tháng vừa rồi hóa đơn tiền điện tăng thêm 300 ngàn, xăng vừa tăng nữa về bà chủ trọ báo tăng thêm 300 ngàn tiền nhà. Nghe tăng mà tôi xót ruột. Đó là chưa có con nữa, cứ như thế này không biết khi nào mới mua nổi nhà Sài Gòn”.
Cũng theo chị Chi, cả đêm hôm qua vợ chồng chị lại phải lấy giấy bút ngồi tính toán lại chi tiêu. Vì các khoản tiền nhà và chi phí phục vụ nhu cầu là không thể thay đổi nên chị Chi phải cân nhắc lại tiền đi chợ.
“Mới chiều nay tôi ra chợ, thịt, cá, rau, củ gì cũng tăng nhẹ… Trong khi tôi tính hạn chế bớt thịt, cá để giảm chi tiêu mà cái gì cũng tăng như thế này thì không biết giảm có được không”, chị Chi ngao ngán.
Khác với gia đình chị Chi, gia đình chị Hồ Thị Trúc Hà (32 tuổi, ngụ Q.9) đã mua được một căn chung cư nhỏ trả góp ngân hàng theo tháng. Vợ chồng chị Trúc Hà làm cho công ty truyền thông, tổng thu nhập gia đình khoảng 40 triệu đồng/tháng. Anh chị đang chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng vào 2 tháng nữa.
Hằng tháng, trả nợ ngân hàng 12 triệu đồng, còn lại anh chị cũng dư dả, cuối tuần thường có những buổi tụ tập cùng bạn bè ăn uống bên ngoài. “Tủ lạnh nhà tôi còn thường có trà sữa cho tôi và bia cho chồng, mỗi bữa cơm chồng tôi sẽ uống hai lon bia. Nhưng tháng vừa rồi nhìn hóa đơn tiền điện chúng tôi thấy sợ quá vì hết gần 1/10 lương của tôi rồi. Nay thêm xăng tăng nữa, mọi thứ đều tăng theo nên tôi bàn với chồng sẽ cắt bia trong các bữa cơm, tôi cũng cắt giảm trà sữa để dành tiền lo cho con sau này”, chị Hà tâm sự.
| Đọc thêm: Quy định xử phạt đối với Chủ nhà trọ thu tiền điện giá cao lên đến 10 TRIỆU ĐỒNG
Nấu cơm mang đi làm
Khác với những gia đình ở TP.HCM, gia đình chị Nguyễn Thị Kiều Oanh (27 tuổi, giáo viên mầm non) ở La Gi, Bình Thuận thì cho biết giá xăng, giá điện tăng gần như không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của gia đình chị. Chồng chị Oanh làm công an, ăn cơm ở đơn vị. Chị Oanh buổi trưa cũng ăn cơm ở trường. Tối đến bữa cơm của gia đình hai vợ chồng và hai con nhỏ thường không quá 50 ngàn đồng.
Chị Oanh bộc bạch: “Nhà trọ ở đây 800 ngàn đồng, mát mẻ. Vợ chồng tôi đi làm về nhà chỉ mở đèn từ 17 giờ 30 đến 21 giờ rồi tắt đèn đi ngủ, dùng quạt hơi nước, không dùng máy lạnh. Tháng nào dữ lắm thì hết 150 ngàn tiền điện. Nơi làm của vợ chồng tôi cũng gần nhà trọ nên việc xăng tăng cũng không tác động gì nhiều đến chi tiêu trong gia đình”.
Anh Nguyễn Phan (34 tuổi, ngụ Q. Tân Bình) thì lại kể một câu chuyện vui khác rằng vào mùa nắng nóng, vợ chồng anh đắn đo mãi mới quyết định mua máy lạnh khoảng 10 triệu đồng. Chưa tận hưởng được những đêm ngủ mát mẻ thì 2 ngày sau nghe tin điện tăng giá, hai vợ chồng chỉ biết thở dài.
Theo: Thanhnien